Hệ đào tạo kỹ sư Télécom ParisTech

  • Năm thứ nhất: đại cương

Năm này dành cho những học sinh đã học 2 năm lớp dự bị hoặc thí sinh đã có bằng cử nhân đại học. Mục đích của năm đại cương này là để trang bị cho học sinh 1 nền tảng kiến thức vững chắc. Nền tảng này sẽ mở ra nhiều cánh cửa, cho phép học sinh thoải mái và ít bị gò bó hơn trong việc chọn chuyên ngành cho hai năm về sau. Ngoài ra việc nắm vững những kiến thức cơ bản trong nhiều lĩnh vực giúp học sinh hiểu biết và có cái nhìn toàn diện hơn khi tiếp xúc với những vấn đề không phải là chuyên ngành của mình.

  • Năm thứ hai: chuyên ngành cơ bản

Năm này dành cho những học sinh đã học xong năm đại cương, những học sinh có bằng thạc sĩ thứ nhất, những học sinh theo diện trao đổi. Bắt đầu từ năm này, học sinh lựa chọn môn học dựa theo chuyên ngành mong muốn. Học sinh có thể chọn một chuyên ngành của trường và một chuyên ngành của một trường đại học ở nước ngoài hoặc cả hai chuyên ngành của trường.

  • Năm thứ ba: chuyên ngành ứng dụng

Năm này dành cho nhưng học sinh đã học xong năm chuyên ngành cơ bản. Học kì một của năm thứ ba tập trung vào những kiến ứng dụng, thực tế hóa những kiến thức đã học ở năm thứ hai, đồng thời là hành trang quan trọng cho phép học sinh sau khi tốt nghiệp có thể bắt đầu làm việc trong môi trường công việc. Học kì hai của năm thứ ba là kì thực tập kéo dài tối thiểu 5 tháng.

Song song trong cả ba năm học, sinh viên ngoài những kiến thức kĩ thuật còn phải học thêm 2 ngoại ngữ (Tiếng Anh và một ngoại ngữ lựa chọn như Tiếng Nhật, Tiếng Tây Ban Nha…), những môn học liên quan đến kĩ năng sống (giao tiếp, thuyết trình, thương lượng, xử lý stress trong công việc…), những môn học liên quan đến văn hóa (triết học, nhân chủng học, âm nhạc, điện ảnh, kịch, tâm lý học…) và những môn học liên quan đến luật (nền tảng luật pháp, luật lao động, luật về thông tin…).

Ngoài ra, sinh viên bắt buộc phải có tối thiểu một đồ án kĩ thuật nhằm phát triển một ý tưởng dựa trên kiến thức đã được học và sự giúp đỡ của thầy cô giáo cũng như là các doanh nghiệp. Có rất nhiều đồ án nằm trong các kì thi được tổ chức bởi các doanh nghiệp về công nghệ (Altera, Google, Parrot…). Mục đích của chương trình đào tạo kỹ sư là xây dựng cho sinh viên một khả năng làm việc ở cường độ cao, phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

Hệ đào tạo kỹ sư cấp bằng kỹ sư Pháp, có giá trị tương đương với bằng thạc sĩ.

Liên quan